Con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp”!

heo chứng tích khảo cổ học thì trâu xuất hiện ở nước ta rất sớm với các hóa thạch cổ xương trâu, bò trong những hang động ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Tĩnh… có niên đại vài chục vạn năm. Xương trâu, bò nhà tìm thấy trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Phú Thọ, Hà Nội…

Có căn cứ để nhận định trâu được thuần hóa cách đây khoảng trên dưới một vạn năm. Hình tượng con trâu gắn liền với hình tượng cây lúa trở thành biểu tượng đặc trưng cho văn minh nông nghiệp lúa nước.

Phù hợp với tâm lý, tính cách và phong tục tập quán bản địa, con trâu đi vào văn hóa Việt trở thành hình ảnh quen thuộc, một mã biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác… Tượng trâu đất nung được tìm thấy trong các di chỉ Đồng Đậu (niên đại hơn 3.000 năm). Là tài sản quý (vật chất), lại gần gũi (tinh thần) nên trâu được “thiêng hóa” thành vật hiến sinh trong các nghi lễ, hội hè… Hình ảnh lễ hội chọi trâu của người Việt cổ được khắc chạm trên trống đồng… Nhưng đậm nhất là hình ảnh mục đồng có trong đủ mọi loại hình nghệ thuật dân gian. Về hội họa thì sớm nhất có lẽ trong sách “Giao châu ký” (thế kỷ 3) phác vẽ hình một mục đồng thổi sáo trên lưng trâu. Trong dòng tranh dân gian thì thật nhiều. Bộ môn điêu khắc tự hào về các phù điêu gỗ đình làng có từ thế kỷ 15 với nhiều hình ảnh trẻ chăn trâu rất có hồn, gần gũi, ấm áp. Đáng chú ý là từ nghệ thuật điêu khắc cho thấy quan niệm của mỗi thời về nghề nông. Thời nào cũng có hình ảnh trâu trên gỗ nhưng ở thời Lê Trung Hưng thì nhiều, đa dạng và sinh động hơn cả. Soi vào chính sử thì thật đúng với chính sách khuyến nông của Nhà nước thời bấy giờ.

Con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp”!
“Len trâu” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu

Về thơ, Nguyễn Trãi có hai câu tuyệt bút: “Ngư ca tam xướng yên hồ khoát/ Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao” (Ngư ông cất ba tiếng hát, sương khói mặt hồ như rộng ra/ Mục đồng thổi tiếng sáo như đẩy trăng trời cao lên). Ở đây là một quan niệm đề cao con người bình dân, đề cao chức năng của nghệ thuật thật hiện đại, mới mẻ: Tiếng hát, tiếng sáo (nghệ thuật) của con người lao động, dù là trẻ em, dù là người già cũng có thể làm đổi thay cả vũ trụ! “Mục đồng” thì “đồng” là trẻ con, chữ “mục” có bộ “ngưu” chỉ con trâu. Các cụ ta gọi tắt là “trẻ trâu”! Ai sinh ra ở phố sẽ thiệt thòi bởi không có tuổi thơ của trẻ trâu nghịch ngợm, hồn nhiên, tuy có vất vả (Ai bảo chăn trâu là khổ?!) nhưng được chơi những trò của… “quỷ sứ”!!! Huyền sử về Đinh Bộ Lĩnh kể ngày xưa nhà vua thời trẻ con để tóc ba chỏm cùng đám trẻ vùng đất thiêng Hoa Lư cưỡi trâu, lấy cỏ lau làm cờ tập trận giả đuổi giặc… Cái lõi hạt nhân của câu chuyện là ca ngợi ý chí tự chủ, tinh thần yêu nước của người Việt ta có cả ở trẻ trâu! Trâu được “thiêng hóa” đến mức thêu dệt thành huyền thoại tiếp sức cho người anh hùng có công. Sách “Công dư tiệp ký” (Vũ Phương Đề) kể đời Trần có Yết Kiêu (quê Hải Dương, ngày ấy là vùng biển), đêm ấy thấy hai con trâu nước chọi nhau liền dùng đòn gánh mà phang, trâu lặn xuống biển mất tích. Trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó có tài bơi lặn. Về sau ông giúp Hưng Đạo Vương đuổi giặc Nguyên!

Trong văn học dân gian thì trâu là một nhân vật có tư cách như một con người, bình đẳng với người, có tâm tính như người: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn việc nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công”. Không phải là lời của người nói với con vật mà là lời của người nói với người. Là tiếng gọi (trâu ơi), là lời bảo ban chân tình (ta bảo). Là sự bình đẳng ở hành vi lao động (trâu cày với ta), ở vị thế lao động (ta đây trâu đấy). Hơn thế, trâu với người gắn bó thân thiết trong một mái nhà: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Ở đây là sự gắn bó mọi không gian nơi chốn (trên/ dưới, nông/ sâu) trong một cấu trúc câu có 3 mệnh đề đẳng lập: Chồng cày/ vợ cấy/ trâu bừa. Thiếu con trâu sẽ thiếu khuyết một mảnh hồn trong bức tranh nông gia yên bình thuở trước!

Kể sơ sơ trâu có mặt trong gần trăm thành ngữ, tục ngữ nói về rất nhiều phương diện cuộc sống. Giáo dục con người phải biết phấn đấu ghi vào trang đời dấu ấn đóng góp của mình: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Phê phán thói đố kỵ, ghen ghét: “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Nhẹ nhàng nhắc nhở kẻ chậm chạp sẽ thiệt thòi: “Trâu chậm uống nước đục”. Phê phán tâm lý tiểu nông “địa phương chủ nghĩa”: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Câu này còn được “ca dao hóa” để trào phúng nặng hơn: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”!? Nhận xét về một sự ngược đời (cổ xưa/lạc hậu): “Trâu đi tìm cọc chứ cọc không đi tìm trâu”. Chế giễu những kẻ đần ngu: “Đàn gảy tai trâu”. Mỉa mai kẻ bắt chước sống sượng: “Trâu bò nhai lại”…

Trong các “lục súc” thì “trâu” có phần được yêu mến hơn. Truyện Nôm ngụ ngôn “Lục súc tranh công” tả 6 con vật: Ngưu (trâu), khuyển (chó), mã (ngựa), dương (dê), kê (gà), heo (lợn) cùng nhau tranh công để phê phán những nét tính cách đáng ghét đố kỵ, nhỏ nhen của người. Con vật nào cũng kể ra nhiều công lao một cách hợm hĩnh nhưng “lời” của trâu được “nương nhẹ” nhất vì gần với sự thật: “Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ/ Một mình trâu kể nỗi gian nan”, có “hoàn cảnh” kéo cày khổ sở: “Trước cổ đã mang hai cái niệt/ Sau đuôi thêm kéo một cái cày/ Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây…”.

Duy thành ngữ chỉ hàm nghĩa tiêu cực “đầu trâu mặt ngựa” chỉ loại người bất lương vốn có từ thành ngữ Trung Hoa (ngưu đầu mã diện) tiếp biến sang văn hóa nước ta. Trong hoàn cảnh văn hóa Hán thì tả cảnh hai con vật trâu, ngựa thuộc hạ của Diêm Vương chuyên làm nhiệm vụ hành hạ, tra tấn kẻ có tội ở địa ngục. Bằng cách nào đấy có người lại “cưa sừng làm nghé”-đã có tuổi, đã già câng lại giả vờ ngây thơ, non tơ… Dân gian tổng kết những kiểu kết bạn thiếu trong sáng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Lại chê trách hài hước mà không kém sâu cay những người “thích thể hiện” những gì không đúng với mình “mài sừng cho lắm cũng là trâu”. Lại có phê phán những hành động thiếu cân nhắc, tính toán sẽ chẳng có kết quả tốt: “Hùng hục như trâu húc mả”…

Hạt nhân ý nghĩa của truyện cười “Trí khôn của ta đây” lý giải đặc trưng của hai loài vật, hổ có da màu vàng, có vằn (vì bị đốt) còn trâu chỉ có một hàm răng (vì cười nhiều). Ngoài chủ đề ca ngợi “trí khôn” của người còn cho thấy trâu là bạn bè thân thiết, tin cẩn của nhà nông. Chùm truyện cười Trạng Quỳnh kể mưu dùng nghé đấu với trâu. Người Tàu đòi đấu trâu xem bên nào thắng, nghé của Quỳnh thấy trâu thì “áp sát” rúc vào bụng, vào nách làm con trâu to lớn buồn mà bỏ chạy. Thế là kẻ hiếu thắng bẽ bàng thua cuộc…

Là con vật gắn bó nhất với người nông dân Việt không chỉ trong việc cày cấy mà còn là sức kéo rất quan trọng của đồng bào miền núi, trung du (kéo gỗ từ rừng về), nhiều vùng thì để kéo xe (xe trâu), vùng nào trồng mía thì dùng sức trâu để kéo máy ép mía làm mật… Trong một số sách cổ còn đề cập ngày xưa dùng trâu vào việc đánh giặc (ngưu chiến). Tiếng tù và làm bằng sừng trâu vừa là hiệu lệnh, vừa tạo âm thanh như thúc giục, cổ vũ người lính vững vàng, mạnh mẽ hơn nơi chiến trường. Ngay thời đánh Pháp cũng có sách kể du kích dùng trâu vào việc phá đồn giặc…

Là “đầu cơ nghiệp” nên trong lịch sử, mọi thời đều quý con trâu. Thời Lý-Trần có chính sách trọng nông nên có lệnh cấm giết mổ trâu. Ngày đầu năm, theo lệ, vua tự thân làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền. Dù là vua nhưng vẫn cầm cày, “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Hình ảnh này có nhiều ý nghĩa, trong đó có ý quý mến, tôn sùng con trâu đáng mến, đáng quý, đáng kính!

Không chỉ có ở nước ta mà lễ hội chọi trâu còn phổ biến ở khắp vùng văn minh lúa nước châu Á và miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngoài thể hiện một tín ngưỡng nông nghiệp (cầu mưa, cầu phúc,…), sự yêu mến, quý trọng con trâu…, căn cứ vào thời điểm tổ chức lễ hội (thường vào dịp trăng sáng), người ta thấy có mối liên hệ giữa trâu với trăng và thủy triều (sừng trâu cong như trăng khuyết, vỏ sừng có các lớp ngấn hình thủy triều). Có nhà nghiên cứu ví 3 đỉnh của tam giác (trâu-trăng-thủy triều) tạo ra một không gian vũ trụ mà con người ở trung tâm. Trăng gắn liền với thủy triều (do lực hút của trăng) nên lễ hội chọi trâu là một cách tiếp thêm sinh lực cho vũ trụ và con người. Phải chăng trâu (Sửu) đi vào lịch (âm) phương Đông cũng còn là từ lý do ấy? Đây chỉ là một trong những lớp mã văn hóa mới được “bóc” ra từ hình tượng trâu rất gần gũi, quen thuộc mà lại rất xa xôi này (hầu như song song với lịch sử cư dân lúa nước)!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ (QĐND)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *