Cô giáo của “những đứa trẻ” thích đi cày: Vốn chỉ quen cày, cuốc nên mỗi khi cầm bút, vợ chồng Phàn A San lại thở dài: “Cô ơi! Viết được một chữ thì mệt hơn cả cày một mảnh ruộng to. Thôi, em không học nữa đâu!”.
Những lúc đó, cô Thuyên lại phải động viên, hướng dẫn tận tình vì sợ mất học trò.
“Xé” rừng, vượt núi hội tụ về lớp học
Vừa trở về từ nương xa khi gà đã lên chuồng, ăn vội bát cơm tối, chị Tẩn Mẩy Sỉnh “quăng” vội mâm bát ra cạnh giếng nước để khi về rửa. Chị giục Phàn A San (chồng của Tẩn Mẩy Sỉnh) mau sắm sửa đèn pin để hai vợ chồng kịp đến lớp học. Ngày nào cũng thế, họ vội vàng đến lớp học lúc chập tối, về tới nhà lúc gần nửa đêm.
Chị Sỉnh khát khao được đến lớp, được học con chữ. Nhưng khổ nỗi, đồng bào Dao ở đó có quan niệm rằng: “Con gái không phải giao tiếp với xã hội bên ngoài nên không cần học chữ”. Vì thế, chị có khát khao đến mấy thì cũng có cơ hội đâu. Giờ có cô giáo đến tận bản, chị mới quyết tâm “phá lệ”.
“Tôi nhớ, đợt đấy anh San, chị Sỉnh cũng độ ngoài 30 tuổi rồi. Mùa mưa thì họ đi làm ban ngày, tối về muốn nghỉ ngơi để mai lấy sức đi làm tiếp để có thóc, có ngô mà ăn. Mình vất vả, lặn lội đi xa đến đã đành, song họ còn có công việc đồng áng. Nên mỗi lần viết từ mới, anh San bảo: “Cô ơi! Viết được một chữ thì mệt hơn cả cày một mảnh ruộng to. Thôi, em không học nữa đâu!”.
Mỗi lần như vậy, tôi lại phải “nịnh” học trò, rồi hướng dẫn, động viên làm sao học sinh không bỏ lớp”, cô giáo Bùi Thị Thuyên chia sẻ.
Về sau, cô được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Cũng chính môi trường này, cô tham gia dạy xóa mù chữ.
15 năm đã trôi qua, song cho đến tận hôm nay, cô Thuyên vẫn không thể quên được những ngày đầu gian nan ấy. Trong một ngày tiếp xúc ngắn ngủi, không ít lần cô nhắc đến vợ chồng cậu học viên San – Sỉnh ngày trước.
“Hồi đó ban ngày thì tôi dạy học cho 3 con của anh chị ấy. Buổi tối thì dạy bố mẹ tại lớp xóa mù. Họ đi làm nương về mệt mỏi, chẳng thiết tha gì học chữ đâu. Cũng chính từ việc phối hợp với chính con em của họ và chính quyền địa phương, trưởng bản thì tôi mới duy trì được lớp học xóa mù”, cô Thuyên kể thêm.
Ngày đầu nhận công tác, để đi từ trung tâm xã đến bản cô Thuyên phải mất 2 giờ đồng hồ. Xe máy, ô tô không thể vào được điểm trường chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Đường lên bản quanh co, dốc thẳng đứng. Đứng giữa lưng chừng núi xung quanh không một bóng người, cô Thuyên tủi thân, nhớ nhà, rồi cũng chỉ biết khóc.
Tại điểm trường, điện nước đều không có. Trong gian nhà nứa được trường dựng tạm cho giáo viên ăn ở, cô Thuyên phải chắt chiu từng giọt đèn dầu, xuống suối để gánh từng thùng nước. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng mỗi buổi tối, chỉ cần nghe tiếng học sinh í ới gọi nhau ở dưới cụm bản, thấy những ánh đèn pin leo lét “xé” rừng, vượt núi hội tụ về lớp học là cô đã thấy hạnh phúc lắm rồi.
Lớp học của những người già
Mặt trời khuất núi, anh Bàn Đức Dong (47 tuổi, thôn Gia Khâu, xã Hồ Thầu) giục vợ dọn bữa cơm tối để kịp giờ lên lớp xóa mù. Từ ngày theo học lớp của cô Thuyên, anh Dong từ bỏ thói quen uống rượu. Đã 47 tuổi nhưng một chữ bẻ đôi không biết, anh Dong thấy ngượng nghịu khi con gái nhờ bố chỉ bài tập. “Không được, phải đi học lấy con chữ thôi”, anh Dong quyết tâm.
Thế là anh rủ thêm hàng xóm, người này rủ người kia đi học lớp xóa mù tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Hồ Thầu. Ở lớp đó, các bố, mẹ ngoài 50, 60 tuổi cũng đi học.
Để đến lớp, anh và bạn học phải qua quả đồi quanh co, dài chừng vài cây số đường rừng. Những ngày đầu đông, gió lùa qua khe cửa, trong ánh đèn le lói, những học sinh U50, 60 ngồi im như tờ. Thi thoảng, không hiểu bài, anh Dong đứng lên hỏi cô giáo bằng vốn từ phổ thông ngọng nghịu. Cả lớp lại được phen cười ồ.
Trên bục giảng, cô giáo Bùi Thị Thuyên nở nụ cười hiền. Cô đi xuống lớp, tận tình chỉ dạy anh Dong những chỗ anh chưa hiểu. Nhờ vậy, anh Dong tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau một tuần theo học lớp xóa mù, anh đã có thể viết được tên mình và làm những phép tính đơn giản.
Từ ngày biết được con chữ, cuộc sống của anh Dong và nhiều người thay đổi. Anh xem được tivi, đọc được sách báo. Nhờ đó, anh có kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi.
“Không chỉ anh Dong mà còn nhiều hộ nữa, họ biết chữ, biết đọc, biết viết rồi họ biết cách làm kinh tế. Tôi ấn tượng nhất là vợ chồng anh San, chị Sỉnh. Vốn đã chăm chỉ, chịu khó, sau khi biết chữ rồi, vợ chồng anh ấy làm kinh tế giỏi lắm. Bây giờ gia đình luôn là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương”, cô Thuyên chia sẻ.
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Thuyên thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp ở nhiều vùng miền khác nhau. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi suốt 18 năm mà các lớp học do cô chủ nhiệm đều đạt tỷ lệ chuyên cần trên 98%.
Bản thân cô cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý, 8 năm liền cô đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 10 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2020, cô Bùi Thị Thuyên vinh dự là một trong những giáo viên tiêu biểu được chọn dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận công sức, nỗ lực của cô trong suốt 18 năm là cô giáo cắm bản.
“Tôi không hy vọng có thể giúp các em thành đạt, giàu có. Tôi chỉ mong con chữ của mình có thể góp một phần nhỏ bé nào đấy thay đổi cuộc sống của các em. Đằng sau mỗi con chữ là số phận của cả một con người. Đó là tinh thần giáo dục mà tôi luôn theo đuổi”, cô Thuyên bộc bạch.
Gần 20 năm đã trôi qua, nhìn lại quá trình nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi của bản thân, cô Thuyên luôn cảm thấy hạnh phúc. Phần thưởng vô giá với cô là những việc rất nhỏ, nó ví như chuyện kinh tế của Phàn A San, Tẩn Mẩy Sỉnh cứ phát triển mỗi năm.
Hai đứa trò cưng (con đẻ của anh San, chị Sỉnh) là Phàn A Páo, Phàn Thị Đông đều đã được làm cán bộ xã. Đứa em út là Phàn Thị Hiền thì cũng vừa tốt nghiệp đại học. Với cô Thuyên, hạnh phúc như thế là viên mãn khi đã góp phần làm thay đổi nhận thức và số phận của nhiều thế hệ ở miền đất đầy gian nan và lạc hậu này!
Ảnh đầu bài: Cô giáo Bùi Thị Thuyên (ở giữa) ân cần chỉ bảo học sinh học bài. Ảnh: NVCC
Ngọc Diệp – (Giáo dục &Thời đại)