Hò thả trâu – Bài hát thứ hai về Quảng Bình của nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh ngày 24-7-1930, mất ngày 2-4-2018, quê gốc Hà Nội. Hoàng Vân được tôn vinh là một trong những nhạc sĩ bậc thầy của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, với các ca khúc nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Mùa hoa phượng nở, Con chim vành khuyên… Hò thả trâu là bài hát thứ hai nhạc sĩ viết về Quảng Bình và là ca khúc đầu tiên viết cho thiếu nhi của ông. Sau nhiều năm thất lạc, bài hát đã được chính những người con của nhạc sĩ tìm thấy và chép lại.
Bài hát “trong một đêm”
Mùa hè năm 2004, trong một lần thực hiện cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi nhớ ông đã nhắc thế này: “Nói về bài hát cho thiếu nhi thì tôi có viết một bài cùng thời gian với bài Quảng Bình quê ta ơi, vào khoảng tháng 8 năm 1964. Nhân buổi đi thăm một lớp học ở trong hầm, tôi được nghe các cháu nữ sinh hát giọng Nghệ An hay lắm, ở ngoài Bắc chưa bao giờ được nghe như vậy. Tôi nói là tôi sẽ tặng các thầy và các em một bài hát, tối nay tôi viết. Và chỉ trong một đêm, Hò thả trâu ra đời, bài hát rất Quảng Bình, rất là dễ thương, tôi thích lắm đấy, nhưng giờ bản chép nhạc đã bị thất lạc. Tôi chỉ nhớ hồi đó đội đồng ca Nhà Thiếu nhi Hà Nội hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và bài đăng ở báo Văn nghệ. Nếu cháu có dịp mà nghe ở đâu đó, hoặc tôi tìm được thì sẽ gửi cho cháu”.
Bẵng đi 15 năm, câu chuyện về bài hát được nối lại khi tôi thực hiện bộ phim tài liệu về bài hát Quảng Bình quê ta ơi và có cơ duyên được gặp, chuyện trò với con gái nhạc sĩ Hoàng Vân. Chị là Lê Y Linh, Tiến sĩ âm nhạc, thành viên của Hội nghiên cứu âm nhạc dân tộc học, Pháp.
Về Lệ Thủy trong một ngày đầu hè “nắng vàng như mật”, chị tha thiết: “Mấy o ơi, xin cho con nghe một bài hò cổ như hồi bố con cũng được nghe, ông nghe cảm xúc sao để đưa điệu hò vào bài hát Quảng Bình quê ta ơi, để điệu hò ấy trở nên nổi danh và bất hủ”. Khỏa chân xuống lòng sông “biếc màu trời màu mây”, chị Y Linh khẽ nói với tôi: “Dòng Kiến Giang – con sông này thật sự đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng bố chị nên ông đã nhắc tới nó cả trong hai bài hát về Quảng Bình”.
Giọng hò quê ta
Và chúng tôi đã cùng nghe Hò thả trâu khi ngồi trên ô tô lướt qua những cánh đồng mùa gặt, những dòng sông lấp lánh nắng. Chị Y Linh nói đây là bài hát dành cho thiếu nhi đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Vân. Phải yêu miền Trung, yêu giọng nói Quảng Bình-Nghệ An và yêu trẻ em thời ấy lắm nên nhạc sĩ mới viết được một ca khúc hay như thế.
Bài hát được mở đầu bằng giai điệu đặc trưng của tiếng sáo diều, đưa trí tưởng tượng của người nghe trở về nới cánh đồng lúa bát ngát, chú bé ngồi trên lựng trâu thả diều, tiếng sáo diều vi vút trên bầu trời xanh…
Nhưng câu chuyện được mở ra ngay từ câu đầu tiên là một bi kịch: Giặc bắn trâu của em bị thương/Lửa đỏ quê em lửa hờn bốc cháy. Và cậu bé dỗ dành người bạn nhỏ thân thương của mình: Trâu ơi trâu đừng buồn trâu nhé/ Các chú dân quân, bộ đội trả thù này…Ăn nhiều trâu nhé/Trâu sớm mau lành/Vụ mùa để chống Mỹ/Trâu góp sức kéo, để lúa tăng thu/đưa ra tiền tuyến cho bộ đội ta, đánh tan giặc Mỹ…
Đoạn 2 của bài hát là khung cảnh làng quê thanh bình: “Dòng Kiến Giang vừa trong vừa mát/Mặt nước vang xa giọng hò quê ta/Trên lưng trâu nhìn trời trong sáng/Thôn xóm xa xa gà đã gáy canh ba. Và trong sớm mai yên lành ấy, cậu bé chăn trâu hồn nhiên hát bài đồng dao Đếm trăng Mười rằm trăng náu/mười sáu trăng tròn/mười bảy sảy giường chiếu… Rồi cậu lại tâm tình với người bạn nhỏ, động viên nó cố gắng vì ai cũng phải cố gắng trong hoàn cảnh này: Ăn nhiều trâu nhé/ Ta dắt trâu về/Đồng ngoài nhiều có non/Sao sáng, sáng lấp lánh, cỏ sương long lanh/Trâu ăn chóng béo, trâu kéo thiệt hăng, ta yêu ta quý”. Và tất cả những cố gắng của em, của trâu được kết bằng một niền tin, niềm lạc quan vào ngày mai: “Ta nhất định sẽ thắng, quân thù nhất định thua”.
Chị Y Linh xúc động: “Em bé thủ thỉ cùng trâu như với bầu bạn, với giai điệu làm cho người nghe thật yêu, thật quý chất giọng Quảng Bình – Nghệ An”. Nói về “điệu hò” trong bài hát, chị nói nó nằm ở câu điệp khúc: Ơ, ta nhất định sẽ thắng, quân thù nhất định thua. Cái hồn của hò khoan Lệ Thủy được đặc tả ở chữ ngâm ngợi “Ơ..” (khổ xô) và cách ngắt câu vè trong bài.
Cấu trúc 4 câu hò xướng bằng một người rồi lại một câu xô hát bằng dàn đồng ca là đặc điểm cấu trúc đặc trưng của hò khoan Lệ Thủy. “Hò thả trâu là một ví dụ điển hình giúp chúng ta thấy một mảng thật thú vị của bút pháp Hoàng Vân trong giai đoạn này: dân dã trong hình ảnh, ca từ và giai điệu, tìm tòi có tính bác học trong cấu trúc, phát triển giai điệu, dí dỏm khi viết cho trẻ em, tình yêu và cảm xúc gập tràn dành cho miền Trung ”- chị nói.
Nếu như trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, người nhạc sĩ tài ba đã vẽ nên cả một bức tranh rộng lớn của Quảng Bình quả cảm, với anh dân quân, anh chiến sĩ, các mẹ, các chị…đã hy sinh hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, thì Hò thả trâu khắc họa rõ nét cốt cách, tâm hồn người Quảng Bình: giản dị, đôn hậu, sâu nặng tình yêu quê hương, đất nước !
Khúc đồng dao còn mãi
Nhạc sĩ Hoàng Vân, người đã để lại trong kho tàng âm nhạc Việt Nam những tác phẩm xuất sắc và cũng để lại cho Quảng Bình hai ca khúc thật đặc biệt. Chỉ tiếc rằng, nếu Quảng Bình quê ta ơi đã bất chấp thời gian và vượt ra khỏi biên giới với sự mến mộ của khán, thính giả nhiều thế hệ trong và ngoài nước thì Hò thả trâu còn ít người biết đến.
Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh cũng đồng tình: “Bây giờ trẻ em không còn hát nhiều bài Hò thả trâu nữa vì các em đã được sống trong hòa bình, nhưng bài đồng dao thời chiến này vẫn giữ nguyên một giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật rất cao. Và vì bây giờ trẻ con không hò nữa, ta có thể coi Hò thả trâu là di tích sống lưu giữ những câu đồng dao thơ trẻ. Những câu đồng dao ấy được tác giả phổ nhạc một cách nhuần nhụy và khéo léo, tạo ra một bài hát tinh tế nấp sau vẻ giản dị của một đoạn vè. Tôi nghĩ rằng bài hát này vẫn có thể được hát vào thời nay với một vài thay đổi. Ta có thể thử nghiệm làm mới một phần lời là có thể có một Hò thả trâu tiếp tục mang lại cho trẻ em một niềm vui thật trong sáng”.
Sau lần về Quảng Bình “theo dấu chân cha” như cách chị gọi tên chuyến đi, Lê Y Linh đã nói với chúng tôi về mong ước được tổ chức một đêm hòa nhạc ngay trên đất Quảng Bình với những ca khúc được nhiều người yêu thích của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong đó chủ đạo là đầu tư dàn dựng ca khúc Quảng Bình quê ta ơi và Hò thả trâu. “Giờ đây, Quảng Bình đã trở nên gần gũi, thân thương như quê hương thứ hai của gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân. Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để tri ân nhân dân Quảng Bình”, chị chia sẻ.
Mời độc giả cùng nghe ca khúc Hò thả trâu do Nguyễn Thi Long và dàn đồng ca thiếu nhi Hà Nội thể hiện:
Ảnh đầu bài: Cậu bé biến mình trâu thành bảng đen để học làm toán. Ảnh do Thomas Billhardt – phóng viên chiến trường nổi tiếng của CHDC Đức thực hiện ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ chụp. ( https://www.thanthongnhat.vn/goc-nhin-cuoc-song/40-buc-anh-mau-vo-gia-ve-mien-bac-viet-nam-thoi-chien-truoc-1975-3192.html)