Dân gian ta có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp” vì thời xưa trong mọi khâu canh tác, từ cày bừa cho đến thu hoạch, hình ảnh con trâu luôn gắn bó mật thiết và hỗ trợ người nông dân đỡ vất vả, khó nhọc. Ngày nay, tuy đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhưng tại nhiều địa phương, con trâu vẫn hỗ trợ đắc lực cho nông dân và hình ảnh con trâu không thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều người. Nhân dịp đầu năm mới Tân Sửu 2021-năm con trâu theo quan niệm của phương Đông, mời quý vị và các bạn cùng tới vùng đất Kbang, địa phương có số lượng trâu nhiều nhất tỉnh Gia Lai lên tới gần 5.000 con để nghe người nông dân kể câu chuyện về con trâu giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Cặp trâu là tài sản quý giá nhất và gắn bó với gia đình chị La Thị Mị suốt nhiều năm nay. Không chỉ đảm nhận công việc cày bừa, kéo đất và chuyên chở nông sản của gia đình; con trâu còn giúp gia đình kiếm thêm thu nhập từ việc nhận cày thuê cho các hộ trong vùng. Theo chị Mị: Con trâu là một phần quan trọng trong đời sống của bà con nông dân và được coi như thành viên trong gia đình. Bởi nhờ có trâu mà công việc đồng áng, nông dân đỡ vất vả, đồng thời phụ giúp bà con phát triển kinh tế rất tốt.
Chị La Thị Mị – xã Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ: “Con trâu giúp cho mình cày, 1 ha làm công thì cày 2 ngày là xong. 1ha cày, lấp mía đây thì được 2 triệu”.
Theo chân người Tày, Nùng và người Mường từ các tỉnh phía Bắc vào Kbang lập nhiệp từ những năm 1980, hiện nay, con trâu luôn gắn bó mật thiết với đời sống của bà con ở tại mảnh đất này.
Anh La Văn Gia ở làng Nam Cao, xã Tơ Tung chia sẻ: Từ năm 1980 đến nay, gia đình luôn duy trì nuôi đàn trâu trên dưới 20 con. Trước đây, trâu được gia đình nuôi để cày bừa, nhưng nay nuôi để tạo nguồn thu từ bán, phát triển kinh tế. Gia đình vừa rồi bán 2 con trâu 4 năm tuổi với giá hơn 84 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa và mua sắm một số vật dụng. Số trâu còn lại hiện được anh chăm sóc cẩn thận và là tài sản để dành, bán mỗi khi cần tiền để lo việc quan trọng.
Anh La Văn Gia – làng Nam Cao, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Trong quá trình nuôi trâu thì một là để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Lỡ đâu ốm đau bệnh tật thì mình còn có con trâu bán để lấy tiền trang trải”.
Ông Trần Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biêt: “Vận động bà con tập trung chăm sóc cũng như lai tạo, thay thế một số con giống trâu không còn phù hợp, có hiện tượng thoái hóa để làm sao đưa con giống của đàn trâu này phát triển tốt hơn; góp phần phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu tốt hơn”.
Theo văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam, loài trâu biểu tượng cho sự hiền lành, cần cù, chăm chỉ, thật thà và sức khỏe lực điền;sự phú quý, giàu sang.Dù cuộc sống ngày một đổi thay, máy móc dần được ứng dụng vào sản xuất để thay thế sức người, sức vật nuôi,nhưng với ai đã từng sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn thì hình ảnh con trâu, cái cày vẫn khắc sâu vào tâm thức như một phần máu thịt.
Đoàn Bình, Thanh Sáng (http://gialaitv.vn/)
Pingback: Bút ký: Cổ tích đàn trâu - Di Sản Trâu Việt