Thương hiệu trâu Chiêm Hóa (Tuyên Quang)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 100 nghìn con trâu, đứng thứ 8 cả nước về số lượng đàn trâu. Trong đó riêng huyện Chiêm Hóa đã có 32 nghìn con trâu, đa phần là giống trâu ngố có tầm vóc cao to. Những năm gần đây huyện Chiêm Hóa tích cực xây dựng thương hiệu “trâu ngố” Chiêm Hóa trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Các hộ nông dân Chiêm Hóa khẳng định nuôi trâu rất dễ, ai cũng có thể nuôi được, thường thì mỗi nhà nuôi từ một đến vài con. Bên cạnh việc tận dụng các thức ăn phụ phẩm trong nông nghiệp như lá ngô, mía, rơm, cám, thì việc chăn thả bán hoang dã cũng giúp trâu tăng trưởng tốt. Chị Hoàng Thị Huệ, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) trước kia là một hộ khó khăn của thôn. Sau khi được ngân hàng huyện cho vay vốn ưu đãi, chị mua trâu sinh sản về nuôi. Từ một con trâu ban đầu, đến nay tổng đàn trâu nhà chị lên 5 con. Bên cạnh có sức trâu để cày bừa, giảm chi phí sản xuất, gia định chị Huệ còn có nguồn phân bón thường xuyên để canh tác. Theo chị Huệ nuôi trâu không “ăn vào kinh tế” gia đình, mà còn tận dụng được lao động nông nhàn. Với giá bán từ 20 – 40 triệu đồng một con trâu trưởng thành, đàn trâu cũng giúp gia đình chị thoát nghèo.

Nghi lễ trâu cày tịch điền tại Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa được tổ chức
hàng năm vào ngày mồng 8 Tết tại sân vận động trung tâm huyện.

Không chỉ dừng lại chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã ở Chiêm Hóa đã chăn nuôi trâu quy mô trang trại. Như Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo với 26 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã xuất bán 6 lứa với 197 con trâu thịt, đang tiếp tục nuôi lứa tiếp theo với 240 con trâu. Để hỗ trợ huyện Chiêm Hóa phát triển đàn trâu, tỉnh có chính sách hỗ trợ vay vốn trong chăn nuôi trâu cho bà con nông dân như Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, quỹ của Trung ương hội Nông dân Việt Nam, vốn vay 120 và của Công đoàn Ngân hàng VietinBank…

Nhân thuần đàn trâu ngố

So với trâu dé, tầm vóc trâu ngố của huyện Chiêm Hóa có trọng lượng từ 500 -700 kg. Đây là trọng lượng lý tưởng cho phát triển đàn trâu thịt hàng hóa chất lượng cao. Qua một thời gian dài, do việc phối cận huyết mà đàn trâu ngố Chiêm Hóa không tăng trưởng được trọng lượng, tầm vóc. Ngay từ rất sớm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005 – 2010) đã chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện chương trình chọn lọc, nhân thuần giống trâu tốt địa phương tại Chiêm Hóa; bố trí hợp lý nơi chăn thả, kết hợp trồng cây thức ăn thô xanh để phát triển đàn trâu theo hướng kiêm dụng. Có cơ chế hỗ trợ tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu đực giống tốt để bảo tồn nguồn gen. Xây dựng và quảng bá thương hiệu trâu Chiêm Hóa”.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó đã xác định tập trung phát triển trâu tại Chiêm Hóa. Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Dự án Đa dạng hóa thu nhập nông thôn (RIDP) đã phối hợp tích cực với huyện Chiêm Hóa trong việc triển khai dự án tuyển chọn, nhân thuần, nâng cao tầm vóc, trọng lượng đàn trâu ngố Chiêm Hóa. Đã có hàng nghìn con trâu cái được phối giống từ những con trâu đực được chọn lọc, chuyển vùng. Nhờ đó đàn trâu f1, f2, f3 ra đời có tầm vóc, trọng lượng khi trưởng thành đạt yêu cầu đề ra.

Trâu không chịu được khí hậu quá lạnh hay quá nóng, việc tắm mát cho trâu
về mùa hè, giữ ấm về mùa đông rất quan trọng.

Niềm vui với người nông dân Chiêm Hóa lại đến, khi năm 2015 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa” cho Hội Nông dân huyện, giúp nâng cao giá con trâu trên địa bàn. Theo đó, nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ độc quyền cho 3 nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm trâu thịt đã qua chế biến; nhóm chăn nuôi trâu giống và chăn nuôi trâu thịt; nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt và thịt trâu đã chế biến. Hiện nay giá thịt trâu trên thị trường rất ổn định, dao động từ 240 – 280 nghìn đồng/1kg thịt ngon. Trâu tiêu thu dễ nên bà con chăn nuôi rất yên tâm. Thịt trâu có thể chế biến ra nhiều món thú vị như thịt trâu nướng, trâu xào lăn lá lốt, tỏi, măng chua, trâu hầm sốt vang, trâu sấy khô thu hút được nhiều thực khách, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương…

Mỗi mùa xuân về, vào ngày mồng 8 Tết, người dân Chiêm Hóa lại rủ nhau đi trảy hội Lồng tông tại trung tâm huyện, đây là lễ hội xuống đồng đầu năm linh thiêng của đồng bào Tày. Trong lễ hội không thể thiếu nghi lễ cày tịch điền cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Con trâu từ lâu đã có trong tín ngưỡng tâm linh, văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời của người dân Chiêm Hóa, nay lại giúp huyện trong phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm nổi trội của địa phương.

Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *